[XU HƯỚNG] Blockchain – Bong bóng hay cách mạng công nghệ?

Ngày đăng: 10:30 AM 23/04/2018 - Lượt xem: 4307

 

Dư luận dường như đang chia thành hai phe: Những người coi tiền điện tử là một bong bóng chỉ chực vỡnhững người coi nó là tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.

Trên thực tế, cuộc cách mạng mà tiền điện tử mang đến không nằm ở giá trị giao dịch hay cơ hội kiếm tiền ngắn hạn cho các tay chơi cryptocurrency mà ở chính công nghệ nền tảng đứng sau nó: blockchain.

Blockchain khai sinh ra tiền điện tử, nhưng tiền điện tử không phải là tất cả những gì mà blockchain có thể tạo ra. Được coi là một trong những phát minh tuyệt vời nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, công nghệ này có gì đặc biệt?

 

BLOCKCHAIN RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO? 

 

 

 

Trước khi đi vào những lời giải thích phức tạp về blockchain và tiền điện tử, hãy thử tưởng tượng một tình huống đơn giản dưới đây để hiểu hơn về nguồn gốc ra đời của bitcoin – sản phẩm đầu tiên sử dụng công nghệ blockchain.

Bạn giao dịch hàng ngày bằng tiền giấy, và việc cầm tờ tiền trên tay khiến bạn tin chắc rằng nó có giá trị thật và có thể đem ra trao đổi lấy hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, nếu ai đó gửi tiền cho bạn và nói là đã chuyển thì liệu bạn có tin vào giao dịch khi chưa được tận tay cầm nắm số tiền không?

Đó là khi bạn phải phụ thuộc vào các tổ chức trung gian, chẳng hạn như các ngân hàng, các cổng thanh toán online,… uy tín để xác nhận giao dịch. Những ngân hàng, cổng thanh toán,… này lưu trữ lại thông tin chi tiết của tất cả các giao dịch và cộng trừ tiền đầy đủ cho các bên liên quan. Thế nhưng hình thức này sẽ trở nên vô cùng tốn kém khi mà mỗi phút trôi qua lại có hàng triệu giao dịch được thực hiện. Theo ước tính của tờ Economist, các ngân hàng trên thế giới đã thu tới 1,7 nghìn tỷ USD tiền xử lý giao dịch trong năm 2014 – tương đương với 2% GDP toàn cầu!

 

Chưa hết, kể từ khi chế độ bản vị vàng chấm dứt vào đầu thập niên 1970, quyền lực càng tập trung chủ yếu vào tay chính phủ và ngân hàng trung ương bởi chỉ họ mới có khả năng in tiền giấy. Hệ thống ngân hàng hưởng lợi từ sự gia tăng của lượng tiền phát hành (gây nên lạm phát) cũng như nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Và khi những cuộc khủng hoảng do giới tài chính gây ra xảy đến, chính phủ lại dùng tiền thuế của dân để giải cứu các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả. Tuy đây là động thái cần làm để ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống tài chính trong nước nhưng nó cũng khiến không ít người bất bình, trong đó có cả Satoshi Nakamoto – cha đẻ của bitcoin (hiện vẫn chưa rõ đây là một người hay một nhóm người). Giọt nước tràn ly chính là cuộc đại khủng hoảng năm 2007-2008 với nhiều vụ bê bối, gian lận tài chính quy mô bị phanh phui. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bitcoin xuất hiện đúng vào thời kỳ này. Khối bitcoin nguyên thủy (genesis block) mà Satoshi khai phá vẫn còn lưu lại lời nhắn thể hiện lý do đằng sau sự ra đời của nó: “The Times 03/01/2009 Bộ trưởng tài chính trước quyết định giải cứu ngân hàng lần hai”, cũng chính là tít lớn bài báo tiêu điểm cùng ngày trên tờ The Times London.

 

Tít báo lớn đã đi vào lịch sử cryptocurrency

 

 

Bitcoin được tạo ra để giải quyết chính những vấn đề kể trên với niềm tin rằng một đồng tiền ưu việt không do bất cứ tổ chức nào kiểm soát, có mức lạm phát và phí giao dịch gần như bằng 0 trên toàn cầu sẽ phá thế thống trị của giới ngân hàng cũng như thay đổi toàn bộ hệ thống tài chính hiện nay. Thay vì chỉ gửi thông tin giao dịch đến một số máy chủ nhất định của các ngân hàng, blockchain tận dụng hàng triệu máy tính cá nhân trên internet để xử lý và lưu trữ chúng. Tất cả các giao dịch đều được ghi lại và xác nhận chéo giữa từng máy tính trong một hệ thống “sổ cái” minh bạch và an toàn.

 

Mỗi khi ai đó muốn chuyển bitcoin sang tài khoản khác, yêu cầu giao dịch đó sẽ được ghép thành khối (block) với một số giao dịch khác và được gửi tới tất cả các máy tính (hay còn gọi là các node) tham gia mạng lưới để chờ được xác thực. Các máy tính này xác thực giao dịch cùng trạng thái của người gửi (liệu đó có phải chủ nhân số tiền này không?) bằng cách chạy phần mềm giải các bài toán phức tạp được hệ thống tạo ra.

 

 

 

Mỗi khối lưu trữ thông tin giao dịch đều có liên kết với các khối liền trước nên toàn bộ chuỗi khối sẽ chứa đựng thông tin liền mạch xuyên suốt lịch sử giao dịch của chuỗi đó. Một khi đã được ghi lại trên chuỗi khối, thông tin giao dịch sẽ không thể bị xóa bỏ hay thay đổi. Blockchain đó cũng sẽ liên tục được cập nhật sao cho thông tin trên sổ cái của từng người trong mạng lưới đều giống hệt nhau nên máy tính nào cũng có thể xác nhận ai sở hữu bao nhiêu coin ở thời điểm bất kỳ.

 

 

AI ĐANG ĐI ĐẦU VỀ BLOCKCHAIN? 

 

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến việc ứng dụng blockchain chưa trở nên phổ cập chính là vì nó còn quá mới và khó tiếp nhận. Trên thực tế, chỉ một nhóm nhỏ chuyên gia mới có thể thiết kế ra những công cụ và thư viện cho các nhà phát triển xây dựng ứng dụng dựa trên. Theo James Prestwich, CEO của startup blockchain Storj, cũng giống như cách trí tuệ nhân tạo có thể được “outsource” qua các dịch vụ sẵn có, hầu hết các lập trình viên sẽ sử dụng những nền tảng, thư viện sẵn có để tạo sản phẩm riêng mà không cần chuyên môn quá sâu về blockchain.

 

Công ty đang đi đầu về kiến tạo hạ tầng hiện nay là Ethereum. Trước khi Ethereum xuất hiện, các ứng dụng blockchain chỉ được thiết kế để thực hiện được một số lượng hạn chế các tác vụ nhất định, chẳng hạn như bitcoin hay nhiều loại tiền điện tử vốn chỉ hoạt động như một phương tiện thay thế tiền giấy. Để tạo ra các ứng dụng blockchain mới, nhà phát triển hoặc phải mở rộng thêm các tính năng của bitcoin và các ứng dụng sẵn có (rất phức tạp và tốn thời gian), hoặc phải tự xây dựng ứng dụng mới với chuỗi khối mới đi kèm. Sớm nhận ra bất cập này, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin có hướng tiếp cận đột phá hơn.

 

Nền tảng Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng những ứng dụng phi tập trung (Decentralized Applications – DApp) như mạng xã hội, dịch vụ lưu trữ, ứng dụng dự báo thị trường, giao dịch tài chính, bất động sản, hợp đồng thông minh,… một cách dễ dàng và hiệu quả bằng ngôn ngữ lập trình Solidity hay các ngôn ngữ thông dụng hơn như Java, C++, Python,… Thay vì phải tự tạo chuỗi khối mới cho từng ứng dụng mới, họ có thể thiết kế hàng ngàn ứng dụng trên cùng một nền tảng duy nhất, thậm chí có thể biến những ứng dụng từ tập trung sang thành phi tập trung để hưởng trọn những lợi ích mà công nghệ blockchain mang lại.

 

 

Với Ethereum, các nhà phát triển không dùng bitcoin mà dùng đồng Ether (có thể đào và mua bán tương tự như bitcoin) để chi trả cho các dịch vụ trên nền tảng blockchain này. Tính đến nay, hơn 80 tổ chức, doanh nghiệp lớn bao gồm cả Toyota, Microsoft, Intel, Samsung, JP Morgan Chase,… đã cùng đứng ra thành lập liên minh Enterprise Ethereum Alliance nhằm xác định trật tự tài chính mới cho thế giới trong tương lai. Các thành viên trong liên minh sẽ cùng hợp tác phát triển phần mềm doanh nghiệp trên nền tảng Ethereum.

 

 

NHỮNG ỨNG DỤNG CỦA CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN

 

  1. HỢP ĐỒNG THÔNG MINH 

    Hợp đồng thông minh (smart contract) là những bản hợp đồng số được viết bằng code trên nền tảng blockchain, có thể vận hành tự động và cho phép các bên tham gia trao đổi tài sản ảo, dịch vụ, cổ phiếu,… một cách minh bạch mà không cần đến người hay dịch vụ trung gian làm chứng.

    Vì là chương trình được cài sẵn nên hợp động thông minh có thể tự thực thi mọi thứ khi các điều kiện trong đó đã đạt đủ. Chẳng hạn nếu bạn thuê căn hộ của tôi và trả bằng một loại tiền ảo, bạn sẽ nhận được một hóa đơn giao kèo online trong đó ghi rõ chỉ khi bạn gửi tiền thì tôi mới đưa bạn mã khóa mở cửa. Như vậy, nếu tôi hoặc bạn có trót gửi mã khóa hay tiền trước ngày giao kèo thì hợp đồng sẽ tự động giữ lại mã khóa/tiền và chuyển cho hai bên vào đúng ngày hẹn. Sau khi mọi thứ được tiến hành xong xuôi, hợp đồng sẽ tự hủy, và code trong đó cũng không thể bị bất cứ bên nào sửa đổi mà bên còn lại không được biết. Hợp đồng thông minh có thể được sử dụng trong tất cả các dịch vụ như bảo hiểm, thanh toán, vay nợ, pháp lý,… Những thương vụ lớn với hàng mớ hóa đơn, giấy tờ, các bên trọng tài cùng thời gian xử lý kéo dài có thể hoàn toàn biến mất với các hợp đồng tự động trong tương lai.

2. ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY 

 

 

Storj – startup đến từ Atlanta Tech Village, Mỹ đã bắt đầu nổi lên từ giữa năm nay với mô hình kinh doanh chưa ai từng nghĩ đến: trở thành Airbnb của ngành điện toán đám mây.

Storj cho rằng mô hình lưu trữ đám mây trên máy chủ tập trung của các ông lớn như Google, Amazon, Microsoft, Dropbox,… là đắt đỏ, lỗi thời và thiếu bảo mật. Do dữ liệu được tập trung hết tại máy chủ của các công ty này nên bạn có nguy cơ mất dữ liệu cao nếu máy chủ của họ bị hack. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể lưu trữ dữ liệu giá rẻ, tốc độ cao trong “kho chứa” còn thừa của các máy tính trên toàn cầu một cách an toàn?

Dựa trên công nghệ blockchain, startup này tạo ra một nền tảng giúp người dùng kiếm tiền qua việc…cho thuê dung lượng ổ cứng và băng thông còn thừa và “rao” chúng cho các bên có nhu cầu. Đổi lại, bên thuê cloud cũng được hưởng dịch vụ không chỉ rẻ hơn mà còn an toàn và có tốc độ download nhanh hơn. Lý do là bởi các file sẽ được mã hóa (chỉ chủ nhân mới có mã mở) và chia thành nhiều mảnh nhỏ để phân tán lên kho chứa của nhiều “chủ nhà” khác nhau; không cá nhân hay công ty đơn lẻ nào có thể truy cập toàn bộ file hay khống chế việc download. File hoàn chỉnh được download cùng lúc từ nhiều kho chứa khác nhau nên tốc độ sẽ cao hơn; nó cũng sẽ được ghép từ các mảnh nhỏ thành nguyên bản khi bạn download từ cloud về. Với cam kết tốc độ download nhanh gấp 10 lần cùng chi phí chỉ bằng 50% dịch vụ cloud thông thường, Storj đã thu hút được 18.000 người dùng và huy động được 30 triệu USD qua việc phát hành đồng tiền ảo STORJ qua Initial Coin Offering (ICO).

 

3. MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG VỐN CHO CÁC STARTUP CÔNG NGHỆ

 

Thông thường, để gọi vốn, các startup hiện nay chỉ có hai lựa chọn chính là tìm nguồn đầu tư mạo hiểm (VC) hoặc lên sàn chứng khoán (IPO). Nếu như IPO thường chỉ dành cho những công ty đã tương đối “trưởng thành”, các quỹ đầu tư mạo hiểm thì luôn khá khắt khe trong chuyện rót vốn, nhiều startup với ý tưởng, vận hành tốt nhưng chưa có nguồn doanh thu ổn định hay đội ngũ mạnh vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu của giới đầu tư. Một hướng đi mới cho các startup công nghệ, đặc biệt là các startup sản phẩm ứng dụng blockchain chính là ICO – phát hành đồng tiền số của riêng mình để bán hoặc tặng (một số startup dùng đồng tiền riêng làm động lực thúc đẩy người dùng sử dụng sản phẩm của mình) cho những người ủng hộ tầm nhìn của dự án mà không phải phân chia cổ phần như với quỹ đầu tư. Hình thức gọi vốn này cũng gần giống với crowdfunding nhưng khác ở chỗ thông qua việc mua bán coin, những người ủng hộ dự án startup có thể kỳ vọng thu về lợi nhuận lớn khi công ty tăng trưởng tốt và đồng tiền lên giá.

 

 

Bên cạnh những câu chuyện giàu lên chóng vánh sau một đêm được cộng đồng cryptocurrency truyền tai nhau, những startup gọi được vốn khủng chỉ sau một thời gian ngắn mở bán coin như Ethereum, TenX, Filecoin, Kik, Kyber Network,… đã xuất hiện khắp các mặt báo. Rõ ràng, ICO đang mở thêm một dòng vốn dồi dào cho không ít công ty đột phá về blockchain, khi mà chưa nhiều quỹ đầu tư lớn thực sự mặn mà với lĩnh vực mới mẻ này. Tuy vậy, sự dễ dãi của ICO cũng tạo cơ hội cho không ít startup tiến hành ICO để lừa tiền đầu tư, khiến dư luận có ấn tượng xấu với cả các ICO chân chính. Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, trong đó có cả founder Ethereum Vitalik Butterin và chủ tịch quỹ đầu tư Interpid (Singapore) Zach Piester, khoảng 90% các ICO hiện nay đều là những dự án lừa đảo hoặc thổi phồng công nghệ.

 

Ngoài hợp đồng thông minh, điện toán đám mây, huy động vốn,…, blockchain còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bầu cử trực tuyến (tiên phong là đảng Liberal Alliance của Đan Mạch với hệ thống bỏ phiếu blockchain đầu tiên trên thế giới), quản lý tài sản và chuỗi cung ứng (startup tiêu biểu: Everledger, Hyperledger), thanh toán quốc tế (Circle, Abra), dự đoán thị trường và sự kiện tương lai (Augur, Gnosis), mạng internet phi tập trung (Blockstack, IPFS), gọi vốn cộng đồng (WeiFund), chống hàng giả (BlockVerify), mạng xã hội (Steemit),…

Không phủ nhận một số ứng dụng của blockchain hiện còn nhiều yếu điểm chưa thể giải quyết tức thời nhưng nếu chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực để đánh giá nó thì kết luận đưa ra sẽ rất thiếu công bằng. Nhìn một cách tích cực về công nghệ này, những khó khăn, thất bại hiện thời rất có thể sẽ mở đường cho những sản phẩm khả thi hơn trong tương lai, đưa blockchain tiến gần hơn tới kỳ vọng trở thành “the new internet” của những thập kỷ sắp tới.

 

 

Nguồn: Cafef.vn 

                                                                                                                                             Thuỳ Dương ST 

Facebook