Quỹ lương hưu lớn nhất thế giới lỗ 136 tỷ USD trong 3 tháng

Ngày đăng: 10:42 PM 03/02/2019 - Lượt xem: 2297

Theo hãng tin Bloomberg, với cổ phiếu chiếm khoảng một nửa danh mục đầu tư, Quỹ Đầu tư lương hưu Chính phủ Nhật Bản (GPIF), mất 9,1% giá trị, tương đương 14,8 nghìn tỷ Yên (136 tỷ USD) trong quý 4/2018. Kết quả này vừa được GPIF đưa ra trong báo cáo kết quả kinh doanh công bố hôm thứ Sáu vừa rồi tại Tokyo.

Cổ phiếu trong nước là khoản đầu tư tệ nhất trong danh mục của GPIF trong quý 4, tiếp theo là cổ phiếu nước ngoài. Ở thời điểm cuối tháng 12, tài sản của GPIF còn 150,7 nghìn tỷ Yên, so với mức 165,6 nghìn tỷ Yên ở thời điểm cuối tháng 9.

Cổ phiếu là hạng mục đầu tư giúp GPIF báo lãi trong 2 tài khóa trước đó. Tuy nhiên, cú giảm trong tháng 12 cho thấy những rủi ro mà quỹ này phải đối mặt kể từ khi quỹ điều chỉnh chiến lược vào năm 2014 theo hướng tăng nắm cổ phiếu, giảm nắm trái phiếu Nhật Bản.

GPIF không có nhiều lựa chọn ngoài việc đầu tư vào cổ phiếu, bởi lợi suất trái phiếu - nhất là trái phiếu Chính phủ Nhật - hiện đang ở mức quá thấp, ông Naoki Fujiwara, Giám đốc đầu tư của Shinkin Asset Management, nhận định.

"Việc GPIF nắm một số tài sản rủi ro trong môi trường hiện nay cũng là hợp lý, bởi lợi suất trái phiếu trên toàn cầu đang quá thấp", ông Fujiwara nói. "Nhưng từ góc nhìn của một người hưu trí, có thể nói rằng GPIF đang hơi liều trong đầu tư".

Trong quý 4/2018, hơn 10 nghìn tỷ USD vốn hóa đã "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm 18% trong quý 4, mức giảm mạnh nhất trong một quý kể từ năm 2008. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ sụt 14%, mức giảm mạnh nhất kể từ 2011.

Theo giới phân tích, với tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu lớn, GPIF tiếp tục đối mặt với rủi ro trong thời gian tới, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết và những bấp bênh xung quanh việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, vẫn là những nhân tố đe dọa kéo tụt tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook