10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2018

Ngày đăng: 10:31 PM 01/01/2019 - Lượt xem: 2528

1.Tăng trưởng GDP cao kỷ lục kể từ năm 2008

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Như vậy, với mức tăng trưởng này, Việt Nam là nước có mức tăng GDP cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

2.Hoãn thông qua luật đặc khu

Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) được thảo luận và dự kiến thông qua vào tháng 5/2018.

Với 6 chương, 85 điều, dự luật được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý cho 3 đặc khu, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời, thể chế hóa quy định của Hiến pháp và đường lối của Đảng về việc xây dựng một số đặc khu có thể chế vượt trội, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới. Dự thảo luật lần đầu được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2017.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo luật là đề xuất các điều khoản ưu đãi về thuế và thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm (quy định hiện hành 70 năm) cho 3 đặc khu. Tuy nhiên, các khoản ưu đãi này đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.Do đó, ngày 9/6, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian thông qua luật. Ngày 11/6, Quốc hội quyết định hoãn thông qua Luật Đặc khu.

3.Thu hồi tài sản nhà nước qua thanh tra

Trong năm 2018, sau các kết luận thanh tra được công bố, các cơ quan chức năng đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm hecta đất bị bán trái quy định.

Một trong những vụ nổi trội nhất, sau kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được Thanh tra Chính phủ công bố chiều 14/3, ngày 18/12/2018, Mobifone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần.

Đến thời điểm hiện tại, Mobifone đã thu lại toàn bộ số tiền liên quan đến dự án, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 8.775 tỷ đồng, bao gồm tiền gốc mà Mobifone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ đồng và các chi phí khác. Doanh nghiệp này cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.

Một vụ khác, sau kết luận thanh tra của Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM đã thu hồi hơn 30ha đất được bán rẻ với giá 1,29 triệu đồng/m2 cho Quốc Cường Gia Lai.

Mới đây nhất, UBND TP.HCM cũng đã ra quyết định thu hồi 5.000m2 “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn do những sai phạm trong việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, do khu đất là đối tượng của vụ án đang trong quá trình điều tra nên việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ.

Đáng chú ý, sau kết luận thanh tra, nhiều cá nhân đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam để truy cứu trách nhiệm. Điển hình, trong vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, đến nay, đã có 4 cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng công ty Mobifone, gồm: ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Mobifone; ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ TT&TT); bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone bị khởi tố, bắt tạm giam…

4.Thông qua hiệp định thế kỷ - CPTPP

Ngày 12/11, Quốc hội khóa 14 thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu.

CPTPP đã nhận được sự phê chuẩn của 7 nước thành viên và có hiệu lực vào cuối tháng 12. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút lui, các nước còn lại, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản đã cùng đàm phán và cho ra đời vào tháng 11/2017.

Nhiều dự báo cho biết, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. 
Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

5.Chứng khoán lập đỉnh và một năm thua lỗ của nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán Việt Nam đầu năm 2018 nối tiếp đà bứt phá mạnh trong năm 2017 (tăng 50%), chỉ số VN-Index có thời điểm xác lập mức kỷ lục 1.200 điểm. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng khá nóng cùng với những diễn biến không thuận lợi từ thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh từ đầu quý II tới nay, VN-Index hiện chỉ còn quanh vùng 900 điểm.

Nhiều lý do giải thích cho diễn biến tiêu cực của thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm, chẳng hạn định giá thị trường đã không còn rẻ, căng thẳng leo thang trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế thế giới chao đảo và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thị trường lao dốc thổi bay thành quả của nhà đầu tư nửa cuối năm 2017, đầu năm 2018.

6.Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tác động đến Việt Nam

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức nổ ra, tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đã có những bằng chứng cho thấy kinh tế Việt Nam được hưởng lợi, tuy nhiên, những thách thức, tác động tiêu cực cũng hiện hữu đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy nhiều nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc với dòng vốn của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc và Việt Nam với nhiều yếu tố hấp dẫn về môi trường đầu tư, địa lý sẽ trở thành điểm đến thay thế.

7.Dòng vốn gián tiếp nước ngoài cao kỷ lục

Năm 2018 tiếp tục là năm hút vốn ngoại của Việt Nam dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài). Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, 11 tháng năm 2018, có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,64 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2017. 11 tháng đầu năm 2018, vốn ngoại vào Việt Nam dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần đã cao hơn cả năm 2017 gần 1,5 tỷ USD.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (góp vốn vào doanh nghiệp thông qua mua cổ phần phát hành thêm) với giá trị vốn góp là 2,96 tỷ USD và mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ (nhận chuyển nhượng/mua lại vốn của các cổ đông khác) với giá trị 4,68 tỷ USD. 2 ngành hút vốn ngoại mạnh nhất là thương mại và công nghiệp chế biến, chiếm gần 55% tổng vốn.

8.Thành lập "Siêu Ủy Ban" vốn nhà nước

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập vào ngày 12/10. 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về ủy ban với tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng.

9.Loạt doanh nghiệp tư nhân ghi dấu với các dự án lớn

Năm 2018, không chỉ là năm nền kinh tế nước ta ghi dấu ấn mạnh, khi GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 mà hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân cũng có nhiều nét khởi sắc.

Năm qua, loạt doanh nghiệp tư nhân lớn, như FLC, VinGroup, SunGroup… đã làm lên “hiện tượng” khi là chủ đầu tư những dự án lớn, góp phần thay đổi diện mạo nước nhà.Các sự kiện như ra mắt ô tô thương hiệu Việt, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn- cảng hàng không đầu tiên do tư nhân xây dựng, ra mắt Hãng hàng không Bamboo Airways… đã chứng tỏ sự lớn mạnh và khẳng định uy tín của các doanh nghiệp tư nhân Việt trong hành trình đổi mới của đất nước.

10.Nhiều đại án được xét xử

Năm 2018 chứng kiến hàng loạt các sai phạm ở nhiều ngân hàng được đưa ra xét xử. Tháng 5/2018, tòa phúc thẩm y án tù chung thân với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ OceanBank nhận án tử hình. Hành vi của các bị cáo khiến OceanBank thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

Liên quan tới Oceanbank, ngày 26/6, tòa phúc thẩm tuyên 18 năm tù đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trong vụ án dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng chịu hình phạt tù 30 năm.

Hầu tòa 2 phiên xử liên tiếp, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Công ty Xây lắp Dầu khí đều không kháng cáo. Ông Thanh lần lượt nhận bản án chung thân liên quan sai phạm ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và án chung thân liên quan dự án Nam Đàn Plaza.

Liên quan tới sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín - Trustbank (sau này là Ngân hàng VNCB, CB) hàng loạt “đại gia” đã hầu tòa. Ngày 2/11, tòa phúc thẩm y án đối với bà trùm Hứa Thị Phấn, nguyên là cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín, Chủ tịch Công ty Phú Mỹ với hình phạt 30 năm tù. 

Nhận chuyển nhượng 84% cổ phần Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ của bà Phấn, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Ngân hàng VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng cấp dưới đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội nhằm “cứu” ngân hàng đã bị rỗng ruột. Ngày 25/12, tòa cấp phúc thẩm đã y án 30 năm tù với ông Phạm Công Danh.

Cũng liên quan tới Ngân hàng Đại Tín, ngày 10/12, tòa cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án đối với nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình và 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN tại Ngân hàng Đại Tín.

Vụ án đánh bạc trên mạng với con số hàng nghìn tỷ đồng mới được xét xử sơ thẩm. Theo đó, ngày 30/11, cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, ông Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù; Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam lần lượt nhận án 10 và 5 năm tù.

 

 

 

 

PÔNG!!

Facebook