“Hôm nay, anh ấy ở đây, trở lại quê hương của mình bởi anh từng nói niềm đam mê cá nhân là cải thiện cuộc sống của mọi người Việt Nam”.
Dù không phải là nhân vật trong câu nói trên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2016, Thu Nguyen lại cảm thấy mình trong đó. Là một người Mỹ gốc Việt, Nguyen là một trong hàng nghìn người Việt Nam trở về quê hương sau nhiều năm, hay thậm chí là nhiều thập kỷ ở nước ngoài.
Những người trở về thường là vì nhiều lý do như sự bùng nổ kinh tế ở Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 6% trong 10 năm trở lại đây. Bối cảnh mới nổi nhưng đang phát triển của ngành công nghệ, mức sống thấp, nhân công rẻ và nhiều tài năng công nghệ là các nhân tố chính.
“Nguồn tài năng phong phú từ khắp nơi trên thế giới đổ về Việt Nam bởi những lý do kể trên và còn vì tại đây rất dễ để bạn khởi nghiệp tự thân”, Nguyen nói. Doanh nhân 35 tuổi đã sáng lập Christina’s, một startup về du lịch và nơi ở tại TP HCM năm 2014.
Nguyen và nhiều người trở về khác có kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty khác nhau, hiểu biết về những khác biệt văn hóa và thuần thục tiếng Anh - kỹ năng thường thiếu trong giới startup Việt. Tất cả những điều đó giúp họ tạo dựng tên tuổi như là một nhà sáng lập startup và để lại dấu ấn đáng kể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển.
Rời khỏi vùng an toàn
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Boston và hoàn thành công việc tại một ngân hàng đầu tư ở Mỹ, Nguyen trở lại Việt Nam lần đầu năm 2007. Cuối cùng anh đã có thể thỏa mãn những tò mò về nơi mình sinh ra bằng hành trình xuyên Việt trên xe máy. Chuyến đi đã giúp Nguyen khám phá và cảm nhận cảnh vật ở Việt Nam, sự phong phú về văn hóa, tất cả trở thành tiền đề tạo dựng con đường khởi nghiệp của anh.
Lấy tên của người vợ mang dòng máu Đức, startup Christina’s của Nguyen cho thuê những căn hộ tiêu chuẩn khách sạn thay mặt cho người sở hữu, giống như hình thức mới của Airbnb Plus, bên cạnh đó là cung cấp các tour trải nghiệm với chính hướng dẫn viên của công ty. Sau bốn năm, doanh nghiệp của Nguyen đã phát triển với số nhân sự hơn 200 người và gọi được 2,5 triệu USD vốn đầu tư.
Christina’s tập trung vào phát triển nên chưa có lợi nhuận nhưng Nguyen nói công ty có “lợi nhuận vận hành”. Anh từ chối chia sẻ bất cứ con số doanh thu nào. Nguyen tiết lộ có thể sẽ sớm hoàn tất một “mối quan hệ đối tác chiến lược” giữa Christina’s và Airbnb vì hai bên đang trong vòng thảo luận.
|
Thu Nguyen - nhà sáng lập startup Christina's. Ảnh: Benjamin Bathke.
|
Những người trở về như Nguyen thường được gọi là Việt kiều, từ chỉ cộng đồng hơn 4 triệu người Việt Nam phân tán khắp thế giới, trong đó nhiều nhất là ở Mỹ. Nhóm này cũng bao gồm những người tị nạn rời khỏi Việt Nam sau chiến tranh cùng con cháu, những người di cư để làm việc và người hoàn toàn sinh ra tại Việt Nam sang nước ngoài du học, ở lại những quốc gia đó để làm việc và sống như một cư dân thường trực.
Eddie Thai, quản lý quỹ 500 Startup tập trung vào thị trường Việt Nam, nói hồi hương đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt như một trung tâm khởi nghiệp, cũng như những gì mà người Trung Quốc và Ấn Độ từng làm.
“Việt kiều là nguồn lực của quỹ thông qua các khoản tiền và đầu tư nhưng quan trọng hơn là kiến thức, ý tưởng và sự kết nối”, Eddie Thái, một người Mỹ gốc Việt nhận định.
Thai nói trong 26 công ty mà 500 Startups Vietnam đầu tư, hơn một nửa có nhà sáng lập là Việt kiều. Thai cũng cho biết hầu hết các đồng sáng lập của 7 startup kỳ lân khắp Đông Nam Á bao gồm Grab hay Tokopedia đều là người trong khu vực nhưng có những khoảng thời gian ở nước ngoài.
Tạo dấu ấn
Rất khó để định lượng hiệu ứng của những người trở về như Nguyen ở Việt Nam. Lars Jankowfsky, nhà sáng lập người Đức của startup NFQ Asia với 3 năm làm việc tại TP HCM cho rằng những người hồi hương là “siêu vũ khí bí mật của quốc gia”.
Bobby Liu, đồng giám đốc chương trình tăng tốc Topica Founder Institute tại Hà Nội cũng đồng quan điểm. Liu nói hầu hết những startup thành công của người Việt đều sở hữu nhà sáng lập có sự tiếp xúc với nước ngoài. “Điều này đặc biệt quan trọng khi các startup này bắt đầu mở rộng ra khu vực”.
Christina’s là một ví dụ, hiện đã hoạt động tại sáu thành phố ở Việt Nam và có kế hoạch tiến vào thị trường Thái Lan, Nhật và Australia trong thời gian tới. Một trường hợp khác là ứng dụng WisePass với sự hiện diện tại TP HCM, Hà Nội và Bangkok. Người dùng của nền tảng này sẽ là thành viên của hơn 230 khách sạn, nhà hàng, bar, club và sắp tới là sân bay với dịch vụ sở hữu là một chai rượu vang, rượu mạnh, bữa ăn trưa hay ăn tối miễn phí hằng ngày.
Theo nhà sáng lập Lam Tran - người sinh ra tại Pháp nhưng chuyển về Việt Nam đã tám năm, đến cuối năm nay, WisePass muốn mở rộng ra Indonesia, Malaysia, Singapore và Hong Kong. Tran từng làm việc tại Google, hãng thương mại điện tử Tiki trước khi ra mắt WisePass. Đến nay, startup của anh đã gọi được số vốn gần một triệu USD, ghi nhận doanh thu ít hơn 100.000 USD vào năm ngoái và vẫn chưa có lợi nhuận.
Tran cho biết kỹ năng giao tiếp và mạng lưới quốc tế đã giúp anh rất nhiều trong việc kinh doanh. “Khi có thể trò chuyện với một số đối tác bằng thứ ngôn ngữ của họ, bạn sẽ dễ dàng kết nối và chốt thỏa thuận nhanh hơn”, anh giải thích
Tái đầu tư vào Việt Nam
Ra mắt doanh nghiệp không phải là cách duy nhất mà những người trở về giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Một số người cũng đầu tư bằng chính số tiền kiếm được trong khoảng thời gian làm việc ở nước ngoài.
Trong số đó có Justin Nguyen, cố vấn vận hành tại quỹ mạo hiểm Monk’s Hill đặt tại Singapore. Sinh tại Việt Nam nhưng lớn lên ở California (Mỹ), anh đóng vai trò quan trọng trong 4 startup ở đất nước mình sinh ra cũng như tại thung lũng Silicon và Thượng Hải. Anh chuyển đến TP HCM năm 2015 sau khi bán công ty cung cấp game sáng lập năm 2008.
Trong một bài viết cho Tech in Asia có tựa đề “Tại sao tôi từ thung lũng Silicon trở về Việt Nam?” hồi năm ngoái, Nguyen mô tả lý do là vì Việt Nam sẽ trở thành “trung tâm công nghệ tiếp theo”. “Tại đây có tất cả những nguyên liệu cần thiết cho sự bùng nổ đổi mới: dân số trẻ, học thức và một cộng đồng những người trở về như một chất xúc tác. Tôi cho rằng đó là phản ứng dây chuyền trong quá trình sản xuất”, bài viết phân tích.
|
TP HCM - trung tâm kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Pixabay.
|
Trở về nhà nhưng cần thời gian để hiểu thị trường
Rất khó để cho ra con số chính xác về số lượng Việt kiều trở về nước và liệu con số này có tăng trưởng trong những năm gần đây. Nhưng Liu của Topica Founder khẳng định có sự tăng dần những người trở về từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế giữa những năm 1980. Thai của 500 Startups cũng nhìn thấy xu hướng tăng trưởng, đặc biệt là những người dưới 35 tuổi.
Tuy nhiên, theo Liu, dù Việt kiều mang lại nhiều lợi thế về mạng lưới, kiến thức cũng như quy trình thực hiện, song họ không thể ngay lập tức hấp thụ và hiểu biết thị trường Việt Nam. “Như những người nước ngoài khác, họ vẫn cần dành thời gian đáng kể tại Việt Nam để thực sự am hiểu thị trường tại đây”, anh phân tích.
Một số người than phiền về sự bất đồng bộ thông tin. “Không phải mọi thứ ở đây đều rõ ràng như các nước phát triển hơn, nơi mọi người có thời gian để xây dựng hệ thống”, Nguyen của Christina’s chia sẻ.
Thai cho rằng Việt kiều đóng vai trò trong việc nuôi dưỡng toàn bộ hệ sinh thái. “Những người như nhà sáng lập Christina’s và WisePass đã kết hợp kinh nghiệm của mình trong các thị trường khác với khả năng hoạt động tại địa phương để xây dựng một Việt Nam của thế kỷ 21. Họ cam kết biến Việt Nam thành bệ phóng cho các công ty công nghệ thế giới sẽ củng cố phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước”.
Tuy nhiên, thành viên của 500 Startups cũng cảnh báo lần nữa việc cường điệu hóa vai trò của những người trở về. “Cuối cùng, thành bại của hệ sinh thái phụ thuộc đầu tiên và quan trọng nhất ở những người Việt Nam chính hiệu trong vai trò nhà sáng lập và các bên liên quan khác. Những gì mà Việt kiều có thể làm là rõ ràng hóa và tạo điều kiện mang lại những nguyên liệu cần thiết cho thành công trong tương lai”.
Trương Sanh (theo Tech in Asia)